Giới thiệu khái quát về Thư viện Bộ Tư pháp

          Bộ Tư pháp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Kiểm tra VBQPPL; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Thi hành án dân sự; Hành chính tư pháp; Bổ trợ tư pháp và các công tác khác trong phạm vi cả nước; Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ… Với chức năng quan trọng như vậy, vai trò và hoạt động của thư viện lại không thể thiếu được vì Thư viện là nơi lưu giữ và cung cấp nguồn tài nguyên tri thức, các giá trị văn hóa, trí tuệ của nhân loại đồng thời cũng là cầu nối giữa thông tin với bạn đọc.

        Thư viện Bộ Tư pháp được kế thừa từ Ủy ban Pháp chế thuộc chính phủ. Năm 1981 Bộ Tư Pháp được thành lập lại trên cơ sở của Uỷ ban Pháp chế và Thư viện cũng được hình thành từ đó cho đến nay, Viện Khoa học pháp lý là đơn vị được giao quản lý và điều hành công tác chuyên môn thư viện. Do có sự sắp xếp lại vị trí làm việc của các đơn vị thuộc Bộ cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn và thuận tiện trong việc quản lý, điều hành từ ngày 01/4/2014 thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thư viện được chuyển giao về Văn phòng Bộ chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Văn phòng Bộ.

          Thư viện Bộ Tư pháp được tổ chức và hoạt động theo mô hình thư viện chuyên ngành luật. Đây là một thư viện có vốn tài liệu chuyên sâu về ngành luật, ngoài ra cũng có một số tài liệu về lĩnh vực khác. Đối tượng bạn  đọc chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Bộ, có phục vụ mở rộng cho những bạn đọc bên ngoài cơ quan có quan tâm đến lĩnh vực luật.

          Thư viện Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: Tổ chức phục vụ bạn đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện; phát triển vốn tài liệu phù hợp với chuyên môn, nhiệm vụ của Bộ và đối tượng sử dụng của thư viện; thực hiện theo định kỳ việc thanh lọc tài liệu không còn giá trị sử dụng, các tài liệu cũ nát không thể phục hồi; phổ biến rộng rãi, kịp thời vốn tài liệu thư viện bằng các hình thức thông tin thư mục, hướng dẫn tra cứu và các hình thức thông tin, tuyên truyền khác, phát huy triệt để nội dung vốn tài liệu có trong thư viện phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Ngành; xử lý thông tin, biên soạn các ấn phẩm thông tin khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện; nghiên cứu các ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa thư viện; bảo quản vốn tài liệu, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các tài sản khác của thư viện…

1. Cơ sở vật chất

          Thư viện được bố trí khỏang 120 m2 cho các hoạt động thư viện gồm: Phòng đọc, kho sách, phòng làm việc và xử lý tài liệu. Với không gian còn khiêm tốn như vậy nhưng các hoạt động thư viện luôn được sắp xếp, tổ chức một cách bài bản, khoa học nhất đảm bảo việc cung cấp và tra cứu tài liệu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Bộ một cách tốt nhất và đem lại hiệu quả .

          2. Đội ngũ cán bộ thư viện

        Từ năm 2014 trở về trước cán bộ làm công tác thư viện có 05 người, đến nay có 02 đồng chí đã đến tuổi nghỉ hưu, thư viện chỉ còn 03 người, trong đó có 02 người được đào tạo về ngành Thư viện và 01 người được đào tạo về luật. Thực tế 03 người phải đảm nhận một khối lượng công việc khá lớn từ việc phục vụ bạn đọc, bổ sung tài liệu, xử lý tài liệu theo nghiệp vụ chuyên môn, biên soạn các thư mục chuyên đề, xử lý tài liệu tạo lập cơ sở dữ liệu điện tử, tài liệu số, cập nhật dữ liệu…

          3. Trang thiết bị, phần mềm

          + Thư viện được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như: Máy tính, máy phô tô, máy in laze, máy hút bụi, xe đẩy sách…

          + Phần mềm quản lý thư viện điện tử, thư viện số sử dụng tại Thư viện là phần mềm KIPOS đây là một giải pháp tích hợp hoàn chỉnh tất cả hai trong một, cho phép thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của thế giới tự động hóa và số hóa. Bao gồm các tính năng như: Biên mục, bổ sung, tra cứu, bạn đọc, mượn trả, quản lý, ấn phẩm định kỳ, mượn liên thư viện... hệ thống thư viện điện tử, thư viện số đã giúp bạn đọc có thể khai thác các nguồn tài nguyên có trong thư viện một cách nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm được nhiều thời gian. 

          4. Vốn tài liệu

          Vốn tài liệu của Thư viện Bộ Tư pháp tính đến tháng 12 năm 2015 gồm:

          - Sách tiếng Việt có: 22.537 cuốn

          - Sách nước ngoài:

          + Sách tiếng Anh:  1677 cuốn

          + Sách tiếng Trung: 71 cuốn

          + Sách tiếng Nga: 1853 cuốn

          + Sách tiếng Pháp: 409 cuốn

          - Các loại khác:

          + Sách văn học: 2380 cuốn

          + Đề tài khoa học: 259 cuốn

          + Luận án tiến sĩ: 651 cuốn

          + Hội thảo: 392  cuốn

          + Từ điển: 318 cuốn

          + Sách về trẻ em vị thành niên: 180 cuốn

          + Kinh điển: 237 cuốn

          + Công báo tiếng Việt: 510 cuốn

          + Công báo tiếng Anh: 74 cuốn

          + Báo đóng lưu :       269 cuốn

          + Tạp chí Luật các loại: 448 cuốn.

          - Cơ sở dữ liệu điện tử

          + Sách pháp lý:  14. 839 biểu ghi

          + Tài liệu pháp lý: 15.802 biểu ghi

          - Số hóa gần 200 cuốn đề tài khoa học cấp Bộ

          - Các loại báo và tạp chí luật: Báo, tạp chí  khoảng 15 đầu.

          Hiện nay vốn tài liệu của Thư viện Bộ Tư pháp tuy không nhiều về mặt số lượng song cũng đã tập hợp được tương đối đầy đủ các sách và tạp chí chuyên ngành luật trong khuôn khổ kinh phí được cấp hàng năm.

          Trên đây là khái quát một số vấn đề cơ bản về Thư viện Bộ.