Cùng với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin và truyền thông, thư viện số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay thư viện số nhận được sự quan tâm đặc biệt của các các tổ chức cá nhân trong và ngoài ngành. Một tìm kiếm goggle tiến hành vào đầu tháng tư năm 2010 về “digital library” hoặc "digital libraries” cho 340.000.000 kết quả.
Vậy thư viện số là gì? Có rất nhiều tranh luận xung quanh cụm từ này. Trước tiên, các cộng đồng thư viện đã sử dụng lẫn lộn và đồng nghĩa cụm từ này với các khái niệm “thư viện điện tử”, “thư viện ảo”, “thư viện được nối mạng”, “thư viện không biên giới”. “Thư viện số” là một thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay và đang được sử dụng thường xuyên tại các hội nghị, hội thảo, trực tuyến và trong văn học.
Một yếu tố khác, thư viện số đang là tâm điểm nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khác nhau, các yếu tố tạo nên thư viện số khác nhau phụ thuộc vào cộng đồng nghiên cứu nhìn nhận về nó [5]. Ví dụ:
- Từ quan điểm của người dùng tin, thư viện số là một cơ sở dữ liệu lớn.
- Đối với những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ siêu văn bản, nó là một trong những ứng dụng của phương pháp siêu văn bản.
- Đối với những người công tác trong ngành thông tin, đó là một ứng dụng của Web.
- Từ quan điểm của ngành khoa học thư viện, thư viện số là một bước tiếp tục trong tự động hoá thư viện vốn đã bắt đầu từ 25 năm trước.
Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng trang web là một thư viện số. Theo Lynch, một trong những học giả hàng đầu lĩnh vực nghiên cứu thư viện số, web không phải là một thư viện số. Lynch [4] cho rằng Internet và bộ sưu tập các nguồn tin đa phương tiện được biết đến như WWW không được thiết kế để hỗ trợ cho việc xuất bản và truy cập thông tin giống như thư viện. Nó liên quan đến cái được coi là kho chứa các sản phẩm của thế giới in ấn kỹ thuật số…. Tóm lại, Internet không phải là một thư viện số.
Học giả người Nga là Sokolova và Liyabev cho rằng thư viện số là một hệ thống phân tán có khả năng lưu trữ và tận dụng hiệu quả các loại tài liệu điện tử khác nhau mà giúp người dùng có thể truy cập và được chuyển giao thông tin dễ dàng qua máy tính [10].
Tại Việt Nam, theo Liên và Ty [15], "Thư viện số là một Thư viện điện tử cao cấp trong đó toàn bộ các tài liệu của thư viện đã được số hóa và được quản lý bằng một phần mềm chuyên nghiệp có tổ chức giúp người dùng dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được nội dung toàn văn của chúng từ xa thông qua hệ thống mạng thông tin và các phương tiện truyền thông".
Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng định nghĩa về thư viện số của Hiệp hội Thư viện số Hoa Kỳ (Digital Library Federation) phục vụ cho nghiên cứu của mình: “Thư viện số là các tổ chức cung cấp tài nguyên, gồm các nhân viên chuyên biệt giúp lựa chọn, tổ chức, cung cấp khả năng truy xuất thông minh, chỉ dẫn, phân phối, bảo quản tính toàn vẹn và sự thống nhất của các bộ sưu tập theo thời gian để đảm bảo sao cho chúng luôn sẵn có để truy xuất một cách dễ dàng và kinh tế nhất đối với một cộng đồng người dùng hoặc một nhóm cộng đồng người dùng” [8].
Sự phát triển của thư viện số trên thế giới và tại Việt Nam
Thư viện số được nhìn nhận như là mới chỉ phát triển cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận định này còn nhiều tranh cãi. Mặc dù thuật ngữ “thư viện số” đã không được dùng nhiều cho đến những năm 1990, khái niệm này đã được sử dụng trong thập niên 1970 khi mà việc sử dụng máy tính đã thay đổi nhiều khía cạnh của dịch vụ thư viện. Có thể nói rằng Tin học hoá các thư viện đã bắt đầu từ đầu những năm 70 bằng sự phát triển hệ máy tính lớn tập trung hoá được sử dụng chung để tạo ra các mục lục thư viện nhằm phân phối các dữ liệu thư mục dưới dạng số. Gorman (2002) đã nhận định rằng qua hàng thế kỷ, thư viện đã cung cấp thông tin cho bạn đọc theo nhiều loại hình khác nhau: sách in, tạp chí và các ấn phẩm in cho đến tranh trên đá, phim âm bản, giấy photo, microfilm và các tài liệu dạng audio khác. Các thủ thư là những người trực tiếp liên quan đến các định dạng tài liệu khác nhau này và cung cấp công nghệ mà qua đó các tài liệu này có thể được truy cập. Thập kỷ 80 đã chứng kiến sự ra đời của các hệ thống quản lý thư viện tích hợp cho phép xử lý cục bộ trong mỗi thư viện toàn bộ dây chuyền tư liệu truyền thống: theo dõi đơn đặt, đăng ký tài liệu, biên mục, xây dựng mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) cho bạn đọc và theo dõi việc cho mượn tài liệu.
Hiện nay, nhiều thư viện điện tử và thư viện số đã được xây dựng ở các nước phát triển. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã tiến hành một chương trình thư viện số khổng lồ nhằm chuyển đổi vốn tư liệu truyền thống sang nguồn tin điện tử linh hoạt. Thư viện Anh hợp tác với Microsoft cũng đang tiến hành số hoá nhằm tạo lập một bộ sưu tập tài liệu điện tử cho phép truy cập trực tuyến. Ở Pháp, Thư viện Quốc gia Pháp đã ký hợp đồng với hãng Safig nhằm số hoá 300.000 sách của thư viện trong vòng 3 năm. Tại Nhật Bản, dự án “Thử nghiệm thư viện số” phát triển mô hình nhằm tiến hành các thử nghiệm khác nhau liên quan đến thư viện số thông qua việc tạo ra một số lượng lớn dữ liệu số hoá từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tổng cộng có gần 9,5 triệu trang tài liệu đã được số hoá [6].
Tại Việt Nam, khái niệm thư viện số còn tương đối mới đối với cộng đồng thư viện Việt Nam. Nhu cầu nghiên cứu về vấn đề này bắt đầu từ khi vạch định chiến lược phát triển thông tin - thư viện giai đoạn 2010-2020, trước xu thế của sự chuyển hướng toàn cầu xã hội thông tin và sự xuất hiện của thời đại công nghệ thông tin. Ngoài ra, vấn đề không gian lưu trữ các tư liệu truyền thống dưới dạng ấn phẩm lớn tại các thư viện Việt Nam đã trở lên cấp bách khiến cho nhiều người đã mơ ước thực hiện các giải pháp cứu cánh: số hoá kho tư liệu.
Một số thư viện số mới được hình thành tại Việt Nam. Thư viện số của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là Dự án do Trung tâm Thông tin tư liệu – Viện KHCNVN xây dựng và phát triển từ tháng 9/2008. Sau hơn 8 tháng tổ chức, triển khai thực hiện và vận hành thử nghiệm, Thư viện số - Viện KHCNVN đã chính thức đi vào hoạt động.
Khái quát tình hình phát triển thư viện số các trường đại học Australia
Derek Whitehead, chủ tịch hiệp hội thông tin thư viện Australia cho rằng thư viện Australia đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong phát triển thư viện số [2].
Một loạt các bộ sưu tập số đã được thư viện các trường đại học Australia xây dựng phục vụ cho công tác giảng dạy của trường. Thư viện trường đại học công nghệ Sydney (UTS) cung cấp cho bạn đọc 16597 đầu tạp chí online trong tổng số 20984 tạp chí mà thư viện hiện có và 13211 cuốn sách điện tử. Toàn bộ nguồn tài liệu số này đều có đường kết nối trực tiếp đến mục lục tích hợp của Thư viện UTS và phục vụ bạn đọc 24 giờ/ngày, 7 ngày/ tuần từ bất kỳ điểm truy cập internet nào [1]. Tại trường Đại học công nghệ Curtin, thư viện tổng thống John Curtin đã xây dựng một loạt các tài liệu điện tử liên quan đến vị nguyên tổng thống này. Thư viện đã phát triển một văn bản về cơ chế quản lý các tài liệu trong đó đề cập đến các nguyên tắc cần phải thực hiện cũng như giải quyết các vấn đề về hợp tác, chọn lọc tài liệu cho công tác số hóa, truy cập, hệ thống và công nghệ, lưu giữ... [3,9].
Dịch vụ thông tin thư viện của thư viện các trường đại học Australia cũng rất đa dạng, bao gồm dịch vụ: mục lục tích hợp, tạp chí điện tử, sách điện tử, luận văn số. Từ khi bắt đầu dịch vụ trực tuyến và điện tử, thư viện đã tiến hành làm mục lục tích hợp tất cả các nguồn tài liệu điện tử cùng với các tài liệu in và microfilm. Mục lục tích hợp luôn luôn là điểm truy cập ban đầu hỗ trợ tìm tin được cung cấp bởi thư viện và chức năng này không hề thay đổi với sự xuất hiện của thư viện số (The university of Adelaide libarary, 2005).
Hiện nay, rất nhiều thư viện của các trường đại học tại Australia đã trở thành thành viên của “Chương trình luận văn số Australia”. Đây là chương trình liên kết quốc gia nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu luận văn số của sinh viên các trường đại học Australia. “Chương trình luận văn số Australia” ban đầu được phát triển bởi 7 trường đại học Australia và dựa trên công việc của thư viện luận văn số và Viện Virginia Polytechnic. Luận văn có thể được truy cập bằng bản PDF thông qua cơ sở dữ liệu ADT quốc gia.
Tình hình phát triển thư viện số tại các trường đại học tại Việt Nam
Trong khoảng một thập niên gần đây, thư viện đại học Việt Nam đang từng bước đổi mới, nhờ được quan tâm đầu tư và nhất là trước đòi hỏi của chính quá trình đổi mới giáo dục đại học. Cùng với chủ trương đổi mới kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quan tâm chỉ đạo, đầu tư cả vật chất và con người để phát triển sự nghiệp thông tin - thư viện nói chung và hệ thống các thư viện đại học nói riêng. Dự án Giáo dục đại học và nhiều dự án khác đã đầu tư hàng triệu đô la Mỹ để xây mới, cải tạo, nâng cấp các thư viện, trung tâm thông tin thư viện của các trường đại học cao đẳng trong cả nước. Nhiều thư viện đại học đã được trang bị các thiết bị hiện đại, nhất là thiết bị về CNTT để thực hiện mục tiêu tin học hoá các khâu nghiệp vụ, dịch vụ thông tin thư viện. Theo Ty (2006), trong số hơn 400 thư viện, trung tâm thông tin – thư viện của các Viện, trường đại học cao đẳng đều đã được đầu tư, xây mới, cải tạo, nâng cấp ở mức độ quy mô khác nhau. Kết quả của việc đầu tư trên, nhiều cơ quan thông tin thư viện cả các Viện trường đại học cao đẳng đã tạo lập được mạng thông tin khoa học công nghệ, có trang web để đăng tải và phổ biến thông tin. Một số trung tâm đã xây dựng được website, cổng thông tin để trao đổi tài nguyên thông tin tư liệu, các công cụ tra cứu trực tuyến (OPAC) trên mạng đã được hình thành từ các trang web của các thư viện, điều đó đã làm thay đổi cách thức phục vụ và làm cho hoạt động thông tin thư viện trở lên sinh động và hiệu quả hơn, làm thay đổi cách nhìn và nhận thức của xã hội đối với công tác thông tin thư viện.
Từ những năm 1990, các thư viện đã sử dụng phần mềm CDS/ISIS vào quản lý vốn tài liệu của thư viện. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay hầu hết các thư viện đều sử dụng phần mềm quản lý thư viện với hệ quản trị cơ sở dữ liệu tiến tiến như SQL hoặc ORACLE để quản lý cơ sở dữ liệu thư viện (Ty, 2006). Hiện nay, một vài phần mềm nguồn mở cũng đã được sử dụng xây dựng bộ sưu tập số ở Việt Nam như Greenstone....
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu thư viện đều nhận định rằng phát triển, đổi mới của các thư viện diễn ra còn chậm chạp, phân tán và chưa đồng bộ. Thư viện đại học đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu và đưa máy tính để bạn đọc tra cứu tìm tin.
Hầu hết các thư viện đều có sử dụng máy tính, nhưng sự tự động hoá thì không nhiều. Hiện nay nhiều thư viện các trường đại học lớn của Việt Nam đã và đang tiến dần đến hoàn thiện việc tự động hoá như: Thư viện đại học Đà Nẵng, đại học Đà Lạt, đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông nghiệp, đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh... Tuy nhiên việc ứng dụng phần mềm quản lý thư viện chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ cấp quản lý chuyên môn nên hầu hết các thư viện tiến hành theo khả năng và hiểu biết của mình. Ví dụ Trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, hiện đang triển khai dự án xây dựng thư viện số với công nghệ tiên tiến, bắt đầu bằng việc tiến hành thiết lập bộ sưu tập số của giai đoạn quản lý tri thức.
Tuy nhiên, thư viện số vẫn còn là khái niệm mới tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển thư viện số chắc sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong chọn lựa và lưu trữ tài liệu số hoá, hỗ trợ người dùng tin, vấn đề bản quyền,... Một trong những thách thức khác của thư viện đại học, đặc biệt là thư viện số là năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ còn yếu, cán bộ thì nhiều nhưng lại thiếu người có năng lực. Thực trạng cán bộ nghiệp vụ yếu về ngoại ngữ, tin học là phổ biến trong thư viện, đó là chưa kể đến kiến thức về quản trị mạng, kiến thức về Internet, những hiểu biết về mô hình thư viện hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alex B. Digital libraries: can we deliver them without open access. National Conference on digital libraries and information services, Sydney, IES con- ference, 2004. - pp. 1-12.
2. Derek W. Libraries turn a digital page. - 2009 (oline) http://www.swin.edu.au/magazine/5/111/libraries- turn-a-digital-page.
3. Gaby H. Polictics, literature, folkore and cir- cumnavigating the world: the what, why and how of digital collection at Curtin University libarry/Gaby H. và Lesley W. Dreaming 08-Australian library and information association biennial conference, Alice springs convention centre, Alice Springs, NT Australia. - 2008.
4. Lynch, C.A. Serching the internet. Scientific America. – 1997. - pp. 52-56.
5. Nurnberg, P.J. Digital libraries: issues and architectures/ P.J. Nurnberg, R. Furuta, J.J. Leggett, C. Marshall, F.M. Shipmen III. In proccedings of the Second Annual Conference on the Theory and Practice of Digital libraries. Austin, Texas, June 11-
13. - 1995. - pp. 147-153.
6. Tamiko,M. The digital library in Japan. – 1998(online) http://www.ukoln.ac.uk/services/papers/bl/blri078/c ontent/repor~17.htm.
7. The University of Adelaide. The digital libary: current perpectives and future direction. 2005 (online).
8. Waters, D.J. What are digital libraries? CLIR Issues, July/August. 1998 URL: http://www.clir.org/pubs/issues/issues04.html.
9. Williamson V. The electronic research archive at the John Curtin Prime Ministerial Library/Williamson V. and Henderson K.J. – 1998 U R L :http://john.curtin.edu.au/aboutus/papers/vwasa199 8.html
10. Xiao, T. Studying on the concept of digital library, Information Research. - No.3. – 2003. - pp. 10-12.
11.http://gralib.hcmuns.edu.vn/gsdl/collect/kyyeuhnTV/index/assoc/HASH3c8e.dir/doc.pdf.
12. http://www.glib.hcmuns.edu.vn/fesal/ban- tin1203/bai2.pdf.
13.http://www.thuvien.net/khoa-hoc-thu-vien- nghiep-vu/khoa-hoc-thong-tin-va-thu-vien/thu-vien- so/xay-dung-thu-vien-theo-huong-hien-dai
1 4 . h t t p : / / w w w . l e a f - v n . o r g / K h a n g - SuyNghiPhatTrienTVVN-2003.pdf
15.http://www.thuvien.net/khoa-hoc-thu-vien- nghiep-vu/khoa-hoc-thong-tin-va-thu-vien/thu-vien- so/giai-phap-xay-dung-cac-bo-suu-tap-tai-lieu-so- pgs-ts-hoang-duc-lien-tvvc-nguyen-huu-ty-trung- tam-thong-tin-thu-vien-dh-nong-nghiep-i.
16.http://www.hcmpreu.edu.vn/index.php?optio =com_content&view=article&id=92:gii-phap-xay- d n g - c a c - b - s u - t p - t a i - l i u - s & c a t i d = 6 1 : t h - vin&Itemid=108
17. http://www.thuvien.net
18.http://gralib.hcmuns.edu.vn/gsdl/collect/kyyeuhnTV/index/assoc/HASH012d.dir/doc.pdf.