Góp ý dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”
Ngày 28/7/2015, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”.

Cuối năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt danh mục các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2015, trong đó có Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”. Đề án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng hiệu quả thế hệ người đọc tương lai, thực hiện mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” thể hiện nội dung quan điểm chỉ đạo là phát triển văn hóa đọc nhằm tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn tri thức của dân tộc và con người Việt Nam; bên cạnh đó là nhằm điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh…, góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, kỹ năng sống. Các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc sách, xây dựng môi trường đọc thân thiện.

 

Dự thảo cũng đưa ra những mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, cho từng nội dung. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, phát triển văn hóa đọc cần sự gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, giáo dục trong, ngoài nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hóa đọc cũng gắn với việc nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin, tri thức dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng, tạo cơ hội cho việc học tập suốt đời của người dân ở mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa đọc cũng góp phần điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh, xu hướng đọc đúng đắn, gắn việc đọc với bồi dưỡng lòng yêu nước, đóng góp vào việc hình thành con người có nhân cách, có lối sống lành mạnh, tri thức, kỹ năng sống và ý thức tuân thủ pháp luật.

Căn cứ vào ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban soạn thảo đề án sẽ tiếp thu, giải trình để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo trước khi đăng công báo xin ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội./.